Blog Tài chính
TỰ DO TÀI CHÍNH LÀ GÌ?
"Risk comes from not knowing what you're doing"
Tự do tài chính không còn là khái niệm xa lạ với đại đa số người trẻ nữa. Chúng ta được tiếp cận và phổ biến rộng rãi cụm từ này thông qua nhiều kênh mạng xã hội như: Facebook, Instagram, TikTok.
Hiện tại là thời buổi mà ai ai cũng nói về tự do tài chính, nhưng chưa chắc đã hiểu được bản chất của khái niệm này.
Do vậy, trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu cụ thể về tự do tài chính là gì? và tại sao độ hot của cụm từ này lại cao đến vậy? Bài viết cũng sẽ gợi ý một số nguyên tắc và nơi đầu tư để sớm đạt tự do tài chính cho người trẻ chúng mình.
Vậy nên, hãy đọc thật kỹ và ngẫm thật sâu nhé!
TỰ DO TÀI CHÍNH LÀ GÌ?
Tự do tài chính là trạng thái nguồn tiền đủ để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày như sinh hoạt cơ bản, giải trí, sở thích riêng của mỗi người… Việc đưa ra các quyết định tài chính không bị chi phối bởi tiền.
Hiểu đơn giản, khi mà bạn đạt được tự do tài chính và sống theo lối sống đã định, thì tiền hầu như không còn ý nghĩa và giá trị gì nữa.
Đối với những người chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về tự do tài chính, họ thường coi tự do tài chính là cột mốc mà mình muốn xài tiền như thế nào cũng được. Mình có thể sở hữu biệt thự nghìn tỷ, siêu xe giới hạn, đi vòng quanh thế giới mà không phải lo nghĩ gì cả.
Nhưng, suy nghĩ này là sai lầm. Tự do tài chính là tuỳ thuộc vào từng người, chỉ có duy nhất một điểm chung là thu nhập luôn lớn hơn chi tiêu và đạt đến một cột mốc có thể tận hưởng đến cuối đời.
Không có 1 con số cụ thể là mốc chung cho tất cả về tự do tài chính, vì như đã nói, nó tuỳ thuộc vào mức độ chi tiêu của mỗi người.
Tuy nhiên, có một quy tắc khá phổ biến để xác định liệu bạn đã đạt được tự do tài chính hay chưa, đó là:
Số tiền để đạt được tự do tài chính = Chi phí sinh hoạt trong vòng 25 năm.
Ví dụ:
Chi phí sinh hoạt hàng tháng của bạn là 10 triệu VNĐ
⇒ Chi phí sinh hoạt hàng năm = 10 * 12 = 120 triệu VNĐ
⇒ Số tiền để đạt được tự do tài chính = 120 * 25 = 3 tỷ VNĐ.
Theo đó, tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm là khoảng 5%. Nếu bạn có 3 tỷ VNĐ gửi tiết kiệm với lãi suất 7% mỗi năm và chỉ chi tiêu 4% mỗi năm của số tiền 3 tỷ (tương đương với 120 triệu VNĐ) mỗi năm thì bạn sẽ không cần đi làm để kiếm tiền nữa, và số tiền 120 triệu VNĐ để chi tiêu mỗi năm cũng sẽ không ảnh hưởng đến khoản tiền gốc 3 tỷ của bạn.
Trên đây chỉ là một ví dụ, còn thì tất nhiên, nếu chi tiêu của bạn cao, ví dụ khoảng gấp 10 lần con số 10 triệu mỗi tháng (tương đương 100 triệu VNĐ) thì số tiền bạn cần để đạt được tự do tài chính cũng sẽ gấp 10 lần (tương đương 30 tỷ VNĐ).
Tuy nhiên, trong đại đa số trường hợp, sau khi đã có một số tài sản giá trị cao nhất định như nhà cửa, xe cộ, quỹ dự phòng, quỹ con cái, quỹ hưu trí, … thì số tiền chi tiêu mỗi tháng của chúng ta rất khó có thể vượt quá 50 triệu mỗi tháng (trung bình).
Do vậy, nhìn chung, bạn cần có 15 tỷ VNĐ là sẽ đạt được tự do tài chính với mức sống tương đối cao tại Việt Nam.
nguyên tắc để đạt được tự do tài chính
Rồi, đây mới thực sự là điều mà đại đa số chúng ta quan tâm đây.
Hiểu về tự do tài chính thì hiểu rồi đấy, nhưng làm thế nào để thực sự đạt được cột mốc này đây?
Tạm thời bỏ qua vô vàn lời khuyên chung chung mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên không gian mạng. Sau đây mình sẽ giới thiệu cho các bạn những nguyên tắc thực tiễn nhất để đạt được tự do tài chính mà mình đã đúc kết được qua nhiều khoá học tài chính khác nhau kèm học hỏi kinh nghiệm từ nhiều anh chị đi trước, những người đã thực sự đạt tự do tài chính.
Tăng nguồn thu nhập
Đây giường như là một điều hiển nhiên, vì phải có thêm nhiều tiền hơn thì mới có thể đạt tự do tài chính phải không nào?
Cái này thì ai mà chẳng biết, nguyên tắc kiểu hiển nhiên như thế này thì đâu có ích lợi gì?
Từ từ đã …
Ai cũng muốn tăng thu nhập, nhưng phần lớn đều không thực sự hiểu được bản chất và cách thức để tiến hành việc này.
Đừng chăm chăm vào việc kiếm tiền. Đừng lấy tiền làm mục tiêu.
Mà hãy lấy giá trị làm mục tiêu. Chúng ta có thể đem đến giá trị gì? cho ai? vào lúc nào? tại đâu? và bằng cách nào?
Ví dụ: chuyên môn của mình hiện tại là viết, mình luôn tìm hiểu về giá trị mà những con chữ của mình có thể đem lại cho khách hàng trước khi thực sự nghĩ đến chuyện tính phí.
Xây dựng một chuyên môn vững chắc, và mở rộng những cách tạo ra giá trị của bản thân dựa trên chuyên môn chính đó.
Ví dụ: công việc hiện tại của bạn là lập trình viên, thì trước tiên bạn hãy dành ra ít nhất 8 tiễng mỗi ngày cho công việc, 2 tiếng mỗi ngày cho nâng cao chuyên môn, và sau cùng là 2-4 tiếng mỗi ngày cho công việc bên lề.
Tự động hoá nguồn giá trị. Thời gian của chúng ta luôn hữu hạn, và sức lực cũng vậy. Nên một khi tìm ra được con đường tạo giá trị và thu về tiền bạc, thì bạn nên nghĩ cách để giảm tải số lượng công việc mà bản thân phải trực tiếp đảm nhận. Giải phóng thời gian của bản thân luôn đi kèm với một số chi phí (chất lượng công việc giảm xuống, mất tiền để thuê người, …) nhưng đồng thời cũng sẽ đem lại tiềm lực khổng lồ để bạn tập trung cho những thứ khác.
Ví dụ: bạn là cộng tác viên viết bài (được trả phí) cho một trang báo. Bạn hoàn toàn có thể thuê người khác viết lại bài cho bạn, bạn sẽ điều chỉnh bài đó và gửi lại cho bên báo. Như vậy, từ lúc đầu khi mà bạn mất 1 tiếng để viết bài và nhận được 1 triệu VNĐ tiền công, thì giờ đây, bạn chỉ mất 15p duyệt và sửa bài và nhận được 500 nghìn VNĐ tiền công (sau khi trừ đi 500 nghìn đã trả cho người viết bài). Và nếu bạn thuê 4 người để viết cùng lúc, bạn sẽ mất 1 tiếng cho công việc này, và nhận lại là 500 nghìn * 4 = 2 triệu VNĐ tiền công. Bạn bắt đầu hiểu ra sự khác biệt chưa nào?
Tất nhiên đây chỉ là lý thuyết, nhưng đây là khung sườn mà rất rất nhiều người đã áp dụng để giải phóng thời gian của bản thân để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Bạn có thể cân nhắc áp dụng nhé!
Nên nhớ: thời gian là vô giá.
Tích luỹ tiền bạc
Có một khoảng thời gian, mình đã từng nghĩ rằng: mình còn trẻ thì cứ xài tiền đi, vì tiền có thể kiếm lại được chứ thanh xuân thì không.
Tuy nhiên càng ngẫm, mình càng hiểu ra là mình sai rồi.
Hồi mới đi làm, mình luôn tâm niệm rằng, giờ mình bỏ ra 1-2 triệu VNĐ mỗi tháng cho tiền cà phê với bạn bè không có gì quá đáng cả. Vì suy cho cùng, 10-20 năm nữa nhìn lại, thì 1-2 triệu này thực sự có đáng là bao.
Nhưng không phải, để mà 10-20 năm nữa thực sự cảm thấy số tiền này không đáng là bao, thì hiện tại mình phải bắt đầu thói quen tích luỹ tiền bạc hiệu quả nhất.
Và thực sự là, mình tin rằng con người của không chỉ mình mà còn rất nhiều người khác, kể cả khi đã có rất nhiều tiền, thì khoản tiền 1-2 triệu ở những năm tháng còn loay hoay xoay sở với sinh hoạt phí luôn là những khoản tiền đáng quý nhất và là những kỷ niệm tuyệt vời nhất trong chặng đường tài chính.
Khi và chỉ khi bạn học được cách tích luỹ tiền bạc, bạn mới thực sự sẵn sàng khi có cơ hội làm giàu đến.
Đầu tư đúng lúc
Như mình đã chia sẻ, thời gian và nguồn lực của mỗi cá nhân luôn hữu hạn, do vậy bạn phải biết cách kiếm tiền dựa vào nguồn lực bên ngoài nếu muốn kiếm được số tiền khổng lồ để đạt được tự do tài chính.
Và một trong những cách phổ biến và hiệu quả nhất chính là sử dụng tiền làm vũ khí và cơ hội để kiếm thêm nhiều tiền hơn.
Giả sử bạn thực hiện tốt 2 nguyên tắc trên, và bạn hiện luôn sẵn có một khoản tiền vài trăm triệu trong tài khoản ngân hàng. Thì ngay khi cơ hội tới, ví dụ như một cổ phiếu bị tụt giá vì tin đồn thất thiệt, hay một người bạn mời hợp tác kinh doanh một mô hình vô cùng tiềm năng, thì bạn sẽ không đánh mất chúng.
Có thể bạn sẽ thất bại nếu thử, nhưng nếu không thử thì bạn không bao giờ có thể thành công.
Người Việt chúng ta có một tiềm thức luôn yêu thích sự an toàn và ngại rủi ro khi đưa ra quyết định. Nhưng mình rất thấm thía một câu nói này:
Nếu bạn không lựa chọn rủi ro nào, thì tất cả rủi ro sẽ chủ động tìm đến bạn.
LỜI KẾT
Thực sự thì những nội dung bên trên thuần là những dòng suy nghĩ mà mình viết ra dựa trên những hiểu biết và trí nhớ của mình về tài chính cá nhân.
Mình tin rằng nó có giá trị ở một góc độ nào đó, song cách truyền tải của mình chưa thực sự mạch lạc và hiệu quả.
Tuy vậy, mình vẫn hy vọng các bạn có thể nhận được một vài giá trị từ bài viết của mình, và mình sẽ cố gắng để truyền tải hiệu quả hơn trong tương lai.
Cảm ơn bạn vì đã đọc, và chúc bạn có một lộ trình đến tự do tài chính gặp nhiều thử thách, nhưng cũng luôn có thể bứt phá ngoạn mục.