Blog Tài chính

TÀI SẢN VÀ TIÊU SẢN

5/27/20239 min read

"A beautiful mind is an assest"

Trong cuốn sách Cha Giàu Cha Nghèo của Robert Kyosaki & Sharon Lechter, hầu như mọi người đọc đều ấn tượng tới 2 khái niệm tài sản và tiêu sản trong quản lý tài chính cá nhân.

Vậy hai khái niệm này là gì mà lại có sức ảnh hưởng lớn đến góc nhìn về tài chính của hàng triệu người? Và hai khái niệm này có thể giúp gì cho chúng ta trong việc xây dựng nền tảng tài chính cá nhân bền vững?

Trong nội dung ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu sâu về tài sản và tiêu sản, và hơn thế nữa, cách chuyển hoá tiêu sản thành tài sản.

KHÁI NIỆM TÀI SẢN VÀ TIÊU SẢN

Tài sản là gì?

Tài sản là những gì mà bạn bỏ tiền ra để mua quyền sở hữu chúng, trong tương lai chúng sẽ sinh lời và mang lại tiền cho bạn. Các loại tài sản có thể tăng trưởng, mang lại thu nhập cho người sở hữu với giá trị bằng hoặc lớn hơn so với chi phí ban đầu bỏ ra.

Các loại tài sản phổ biến có thể kể đến như: bất động sản, chứng khoán, vàng, … Tuy nhiên không chỉ có vậy, có vô cùng nhiều thứ có thể coi là tài sản đối với từng cá nhân như: thiết bị điện tử, thời gian, và thậm chí là mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Đợi một chút, thời gian và mối quan hệ ư? Hãy cùng đi sâu hơn về chúng nhé.

Thời gian là thứ mà dù bạn có tất cả số tiền trên thế giới này cũng không thể mua thêm dù chỉ 1 giây. Điều duy nhất bạn có thể làm là giảm bớt khối lượng thời gian mà bạn tiêu tốn. Thời gian luôn là một trong những tài sản quan trọng nhất đối với từng cá nhân. Thử nghĩ mà xem, các ông chủ giàu có thuê nhân viên để làm gì? Mục đích tối thượng chính là tiết kiệm thời gian cho bản thân, để dành những giây phút quý báu đó cho những việc quan trọng và ý nghĩa hơn.

Còn về mối quan hệ. Khi còn trẻ, chúng ta thường có 2 xu hướng: bó mình trong một vùng an toàn với một vài mối quan hệ thân thuộc và thỉnh thoảng đi giao lưu, hoặc là điên cuồng lao đầu vào vòng tròn xã hội với nhiều mối quan hệ chồng chéo với nhau mà không đem lại hiệu quả gì. Cả 2 xu hướng đó đều là sai lầm, và thực sự thì rất khó để người trẻ có thể ngộ ra sai lầm đó. Mối quan hệ có thể nói là tài sản quan trọng thứ nhì đối với con người (sau thời gian), vì mối quan hệ có thể giúp chúng ta hiện thực hoá được nhiều thứ. Bản chất xã hội là sự phân hoá vai trò, và tiềm lực của mỗi cá nhân luôn là giới hạn. Bạn không thể nắm bắt và làm mọi thứ, mà mối quan hệ mới là nền tảng giúp bạn làm điều đó.

Mình sẽ có một bài viết làm rõ về thời gian và mối quan hệ, hy vọng các bạn sẽ đón đọc để hiểu kỹ hơn nhé.

Tiêu sản là gì?

Tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền ra để mua quyền sử dụng chúng, thường thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế gì trong tương lai dài hạn, ngược lại chính là nhân tố tiêu tốn nguồn lực ngắn hạn của chúng ta.

Những loại tiêu sản thường thấy nhất chính là những mặt hàng xa xỉ, những thiết bị công nghệ, những vật dụng đắt đỏ mà chúng ta thường mua với mục đích thoả mãn người khác dưới cái mác tự thưởng cho bản thân.

Tiêu sản không hoàn toàn xấu, vì dưới một góc độ nào đó, tiêu sản nâng cao đời sống tinh thần của con người nhanh hơn là tài sản. Song, trong tương lai dài hạn, nếu bạn thực sự muốn đạt được hạnh phúc bền vững, thì bạn nên hạn chế dòng tiền đổ vào tiêu sản.

Quan niệm sai lầm về tài sản và tiêu sản

Tài sản và tiêu sản là những thứ hoàn toàn khác nhau

Tài sản và tiêu sản là hai khái niệm khác nhau, nhưng chúng không phải luôn là những thứ hoàn toàn khác nhau, chúng là 2 mặt của cùng một vật thể.

Ví dụ đơn giản nhé, bạn mua một chiếc máy chụp ảnh để tự thưởng cho bản thân sau một năm trời làm việc vất vả, bạn dự định sử dụng máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong chuyến du lịch cuối năm cùng bạn bè. Sau đó, chiếc máy ảnh bị bạn cất vào một góc để cho năm sau tiếp tục sử dụng. Trường hợp này không phải là hiếm, nó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của giới trẻ, song dưới góc độ kinh tế, chiếc máy ảnh gần như không đem lại lợi ích gì, và giá trị của chiếc máy ảnh sẽ bị khấu hao dần theo thời gian. Vậy nên ở đây, chiếc máy ảnh là tiêu sản.

Cũng là chiếc máy ảnh, nhưng trong trường hợp này, bạn mua nó với mục đích chụp ảnh thiên nhiên vào thời gian rảnh rỗi, sau đó bán hình ảnh cho các trang web sưu tập để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù chiếc máy ảnh vẫn sẽ bị khấu hao giá trị theo thời gian, và thậm chí còn bị khấu hao nhiều hơn do thường xuyên sử dụng. Song, chiếc máy ảnh cũng tạo ra dòng tiền cho bạn, và nếu biết cách tối ưu, thì dòng tiền này chắc chắn sẽ vượt qua giá trị của chiếc máy ảnh trong thời gian ngắn. Vậy nên, ở đây, chiếc máy ảnh là tài sản.

Chỉ nên mua tài sản, không nên mua tiêu sản

Nếu bạn kỷ luật đến mức chỉ mua tài sản thì quả thật là đáng ngưỡng mộ, và mình tin rằng bạn sẽ đạt được ngưỡng tự do tài chính và hạnh phúc trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải làm như vậy. Việc bạn làm như vậy là bạn đang đánh đổi dòng tiền hiện tại để lấy một dòng tiền mạnh hơn trong tương lai, hay nói đơn giản hơn, bạn đang sống có phần khắc khổ để được thoải mái hơn trong tương lai.

Hãy nhớ rằng, suy cho cùng tiền là công cụ để chúng ta theo đuổi hạnh phúc. Và hạnh phúc thì có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong đời người, vậy nên, trích ra một phần hợp lý để chi tiêu cho hiện tại, để thoải mái và hạnh phúc hơn ở hiện tại, không bao giờ là một quyết định quá đáng cả.

Tài sản thì tốt thật đấy, nhưng nếu bạn xác định được phần trăm tập trung của tiềm lực tài chính của bạn vào tài sản và cả tiêu sản thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.

CÁCH BIẾN TIÊU SẢN THÀNH TÀI SẢN

Như đã nhắc đến bên trên, tài sản và tiêu sản không khác nhau về bản chất của sự vật, chúng khác nhau về mục đích sử dụng của con người.

Vậy nên, để biến tiêu sản thành tài sản, bạn chỉ cần thay đổi mục đích sử dụng của chúng là được.

Ví dụ nhé: bạn đang có một chiếc Iphone 14 Pro Max vừa mới mua mà chỉ dùng để lưới mạng xã hội và nghe gọi hàng ngày thì thật lãng phí, đây chính là tiêu sản. Nhưng bạn hoàn toàn có thể bỏ ra một chút tiền học hỏi về mạng xã hội, từ đó sử dụng chiếc điện thoại hiện đại của mình là công cụ để dần dần xây kênh và kiếm thêm thu nhập, đây chính là tài sản.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, bản chất của việc biến tiêu sản thành tài sản vô cùng đơn giản. Nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực, quyết tâm, nguồn lực, và khả năng để hiện thức hoá quá trình chuyển đổi này.

Nhưng mình tin rằng, chỉ cần bạn có mong muốn và bền bỉ hành động với nó, thì mọi chuyện đều khả thi.

LỜI KẾT

Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bạn cần xác định rõ những gì mà bạn đang có là tài sản hay tiêu sản, và cách để chuyển hoá thành công tiêu sản thành tài sản.

Chỉ có vậy, bạn mới nhanh chóng tiến tới mục tiêu tự do tài chính, và xây dựng được hạnh phúc bền vững cho chính bản thân và xa hơn nữa là những người mà bạn trân trọng.

Để lại bình luận của bạn tại đây nhé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN